Chuyển đến nội dung chính

BÃI BIỂN VÀ ẨM THỰC Ở NHẬT LỆ (QUẢNG BÌNH)

                                              
                                   
                             

Chuyến khảo sát thực tế kết hợp với du lịch nghỉ mát hè năm 2014 do Khoa LLCT (TMU) tổ chức đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên về đất và người Quảng Bình. Ở tầm quốc gia, quốc tế thì hai danh thắng nổi tiếng là Phong Nha - Kẻ Bàng và động Thiên Đường (gần đây thêm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp) là những điểm thu hút khách du lịch bốn phương. Nhưng ở mức khiêm tốn hơn có thể kể đến bãi biển Nhật Lệ cùng nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử khác trên đất Quảng Bình không kém phần hấp dẫn đối với du khách. Bài viết này nói về một trong những danh thắng, di tích nói trên của Quảng Bình, đó là bãi biển Nhật Lệ với những nét đặc sắc riêng của nó.
1. Về cái tên Nhật Lệ (những giải thích về tên gọi)
Nhật Lệ là tên gọi của một vùng đất và tên một con sông chảy qua nằm trên đất Quảng Bình. Bãi biển Nhật Lệ nằm cạnh cửa sông Nhật Lệ, cách trung tâm thành phố khoảng 3 km về phía Đông Bắc.
Hai tiếng Nhật Lệ dễ gợi lên trong tâm tưởng du khách câu hỏi tại sao sông, bãi biển nơi đây mang tên Nhật Lệ? Người dân địa phương có sự giải thích khác nhau về nguồn gốc của hai chữ Nhật Lệ. Có người nói cái tên “Nhật Lệ” gắn với sự kiện vương phi Mỵ Ê của vua Chiêm Thành đã trầm mình trên dòng sông để thủ tiết sau khi vua Lý Thái Tông chinh phạt Chiêm Thành năm 1044. Về sau, vào năm 1306, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông muốn yên bờ cõi phương Nam đã gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành (Chế Mân) làm hoàng hậu[1]. Cuộc hôn nhân chính trị này đã đem về cho nước Đại Việt hai châu Ô, Lý[2]. Nhưng với Huyền Trân thì lại buồn tủi cho thân phận của mình, nàng đã khóc rất nhiều. Không biết bao nhiêu nước mắt của công chúa Huyền Trân đã âm thầm rơi xuống cửa sông nơi mảnh đất này... Cảm thương với hai bậc kiều nữ của hai đất nước đã lặng lẽ rơi những giọt lệ buồn mà người xưa đã gọi tên dòng sông chảy qua đất Quảng Bình là Nhật Lệ.
Người khác lại bảo rằng thời Trịnh-Nguyễn phân tranh (1570-1786), khi sông Gianh trở thành lằn ranh của hai bên chiến tuyến thì những lưu dân ở bờ Nam vẫn thường hướng về bờ Bắc, nhớ quê hương mà dòng lệ tuôn rơi. Lâu dần nước mắt chảy thành sông rồi từ sông chảy ra biển mà thành cái tên Nhật Lệ. Có người nói, theo từ Hán-Việt, “nhật” là ngày, “lệ” là điều được lặp đi lặp lại thành thói quen. “Nhật Lệ” là ngày nào cũng có dòng nước chảy giống nhau, nên gọi là Nhật Lệ... Những cách giải thích trên đây thực hư thế nào, thuyết nào đúng, thuyết nào sai thời nay chúng ta rất khó khẳng định! Dẫu sao cái tên Nhật Lệ vẫn là cái tên đẹp, gây cảm hứng cho du khách đến nơi đây.
2. Bãi biển Nhật Lệ – đẹp, thơ mộng, lãng mạn
Thiên nhiên nơi đây đã ưu ái ban tặng cho Quảng Bình một bãi biển – bãi tắm tuyệt đẹp với nền cát trắng phau và dòng nước biển trong xanh… Đặc biệt, trên bãi biển Nhật Lệ còn có một di chỉ văn hoá khảo cổ học thời đá mới (Bàu Tró) nổi tiếng của cả nước và một hồ nước ngọt xanh trong kỳ lạ.
2.1. Trước hết xin nói về di chỉ khảo cổ học Bàu Tró. Vào mùa hè năm 1923, hai người Pháp (thuộc trường Viễn đông Bác cổ) đã phát hiện ra di chỉ khảo cổ Bàu Tró. Cuối mùa hè năm đó, nhà địa chất kiêm khảo cổ học Etinen Patte đã tổ chức khai quật và công bố những hiện vật thời tiền sử ở đây. Những hiện vật này gồm nhiều rìu đá, mảnh tước, hai hòn ghè bằng thạch anh, bàn nghiền hạt mảnh gốm vỡ... Về sau, mùa xuân năm 1980, trường đại học Tổng hợp Huế đã tổ chức khai quật lại di chỉ Bàu Tró ở khoảng cách cách mép nước hồ lúc đó 40 mét, cao hơn mặt nước 2,3 mét và cách hố khai quật của Patte hơn 100 mét về phía Tây. Hiện vật thu được gồm có nhiều rìu, bôn đá, bàn mài, chày nghiền, mũi nhọn và vô số các mảnh gốm vỡ của các loại nồi, niêu, bình, vò... Các nhà khảo cổ học đã lấy tên di chỉ này để đặt cho nền văn hoá hậu kỳ đá mới phân bố ở các vùng ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế là văn hoá Bàu Tró[3]. Di chỉ khảo cổ văn hoá Bàu Tró có niên đại cách ngày nay khoảng 5.000 năm lịch sử.
2.2. Còn Hồ nước ngọt nằm trong khu di tích Bàu Tró, cách biển hơn 100 mét. Có thể coi hồ nước này là một trong những hiện tượng thiên nhiên đặc biệt. Bởi dù chỉ cách biển (nước mặn) rất gần nhưng nước trong hồ lại ngọt như nước suối trên rừng. Cư dân Đồng Hới xưa thường ra hồ lấy nước về ăn và giặt quần áo cho trắng. Nước hồ chủ yếu rịn ra từ cát nên rất trong mát và có thể tẩy sạch được áo quần dính bẩn. Đây là nguồn nước ngọt duy nhất cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân vùng này bao đời nay. Bao xung quanh hồ là những dải rừng cây phi lao xanh tươi nổi lên trên một vùng cát trắng. Gần đây do môi trường sinh thái hồ được cải thiện nên có rất nhiều đàn chim bay về cư trú trong rừng cây. Du khách sẽ cảm thấy rất thú vị khi mắc võng dưới rừng cây nằm nghe sóng biển rì rào xen lẫn tiếng chim rừng hót, kêu ríu ran... 
Vào mùa hè, khi mực nước trong hồ cạn xuống khoảng một phần ba, trông hồ giống như dấu một bàn chân trái khổng lồ. Có những câu chuyện huyền thoại về hồ nước. Chẳng hạn, người ta kể rằng hồ sâu đến nỗi không có đáy. Có người đã ném một quả bưởi xuống hồ, sau đó thấy nó nổi lên ở hồ Sen thuộc huyện... Lệ Thuỷ! Có lẽ những câu chuyện huyền thoại chỉ là để nói lên nguồn nước của hồ không bao giờ cạn, cho dù trong mùa hè nắng nóng dai dẳng hàng tháng trời… Hiện, Hồ Bàu Tró vẫn là nguồn cung cấp nước ngọt quan trọng cho cư dân Đồng Hới.
2.3. Nằm cạnh cửa sông Nhật Lệ, bãi biển Nhật Lệ là một trong những bãi biển thuộc diện đẹp nhất của nước ta. Nơi đây còn mang một vẻ đẹp nguyên sơ, với bãi cát trắng phau trải dài cùng làn nước biển trong xanh nhìn rõ tận đáy. Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho biển Nhật Lệ một khung trời huyễn hoặc với bãi cát trắng trải dài, làn nước biển trong xanh và những cây rau Muống biển hoa tím mọc tràn lan khắp bãi cát, tạo nên nét hoang sơ và lãng mạn. 
     Từ ngoài khơi xa từng lớp sóng bạc tiến vào bờ tựa như những chùm hoa sóng tung bọt trắng xóa… Những lúc trời xanh trong gió mát, bãi biển sạch như lớp nệm mới, nền cát mịn óng ánh được dầm nén chắc chắn, người ta có thể đạp xe hay chơi các trò chơi thể thao trên đó... Bãi tắm nơi đây thoai thoải sâu và rất an toàn, gió lồng lộng thổi mát hòa cùng tiếng sóng vỗ rì rào tạo nên một bản giao hưởng của tự nhiên giới với nhiều cung bậc du dương. Dạo chơi trên bãi cát trắng mịn và sạch sẽ, cảm giác thú vị khi từng đợt sóng dạt vào bờ, liếm vào chân rồi nhẹ nhàng rút đi sau khi đã xóa sạch những vết hằn một cách tài tình… 
Bãi biển Nhật Lệ náo nhiệt từ khi bình minh ló dạng đến lúc mặt trời đứng bóng, với những tiếng cười đùa cùng những hoạt động sôi nổi của cả dân địa phương lẫn du khách. Đa số dân Đồng Hới thích ra biển khi kết thúc ngày làm việc. Họ đến đây để tắm biển, chơi thể thao, ăn nhậu hay chỉ đơn giản là gặp bạn bè “bù khú” bên cốc cà phê…
Biển Nhật Lệ có những khoảnh khắc thật lãng mạn lúc hoàng hôn. Đây là thời điểm lắng đọng cho những cuộc hẹn hò tình tứ của những đôi trai gái yêu nhau… Khi màn đêm buông xuống, cả một vùng cửa biển với đủ loại tàu thuyền giăng đèn chấp chới, sáng rực như một thành phố thần tiên. Lúc đó du khách ngỡ như mình được nhìn thấy hàng ngàn vì sao đang tỏa sáng lung linh… Tắm biển hay ngắm biển Nhật Lệ đem lại cho con người niềm vui, hạnh phúc vô bờ bến!
3. Ẩm thực ở bãi biển Nhật Lệ
Được thiên nhiên - biển trời ưu ái, biển Nhật Lệ có đầy đủ các loại hải sản phong phú, tươi ngon, là những sản phẩm ẩm thực thượng hạng. Thời điểm đẹp nhất để đến với biển Nhật Lệ là từ tháng 5 đến tháng 8. Du khách đến đây, bên cạnh tắm và ngắm biển còn có dịp thưởng thức nhiều món hải sản tươi ngon của Quảng Bình như Hàu, Nghêu, sò Huyết, sò Lụa, sò Điệp, Ghẹ, tôm Hùm, Mực, cá Mú, cá Hồ, cá Chim, cá Bả trầu, cá Hồng, cá Chình, cá Hanh… được các nhà hàng dọc con đường ven biển chế biến rất chuyên nghiệp.
Buổi chiều tối, du khách có thể ghé vào những nhà hàng thoáng mát nằm sát bờ biển Nhật Lệ để thưởng thức những món hải sản hấp dẫn, có hương vị đậm đà riêng. Hấp và nướng là hai cách nấu chủ đạo. Dưới bàn tay khéo léo của người dân Quảng Bình, du khách thoải mái thưởng thức những món hải sản dù đã nấu chín vẫn giữ được nguyên mùi vị đặc thù, tươi rói, khi ăn thì béo và ngọt. Các món sò huyết, hàu khi hấp lên rất ngon, cá mú, cá hanh, cá chim nướng thơm ngon và béo ngậy, còn mực thì giòn và ngọt… 
       Trong các món hải sản ở đây, ấn tượng nhất phải kể đến là Đẻn (rắn) biển, một món ăn độc đáo đã được nhắc đến trong thơ ca: "Cụng đầu tí chút mùi men/ Lai rai hương Đẻn mà nên bạn tình”. Món đẻn được chế biến theo nhiều kiểu khác nhau, nhưng được nhiều người biết đến nhất là tiết đẻn pha rượuram đẻn. Rượu tiết đẻn có cái vị ấm nồng và hơi chát hòa lẫn tạo nên cảm giác rất khó quên. Vị đặc trưng của món ram đẻn khó mà diễn tả bằng lời. Cách làm ram đẻn khá đơn giản, những con đẻn được làm sạch sẽ, băm nhuyễn rồi cho gia vị vào trộn đều, sau đó cuốn lá lốt thành những chiếc ram nhỏ và cho lên chảo rán đều. Một đĩa ram đẻn nóng hổi, thơm ngon sẽ cuốn hút, khiến du khách khi đã thưởng thức rồi thì muốn ở mãi không về.
Đến với Nhật Lệ, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món bánh bột lọc, được làm từ hai nguyên liệu chính là bột sắn và tôm sông. Sau khi trải qua giai đoạn xay, lọc và nhào bột khá công phu, người làm bánh sẽ có một thứ bột thơm và dẻo. Đem vắt mỏng bột sắn thành từng miếng nhỏ, rồi bỏ vào trong mỗi miếng là một con tôm sông đã được rim kỹ cùng vài sợi nấm mèo thái mỏng, gói chặt trong lá chuối sứ. Công đoạn cuối cùng là hấp bánh lên cho đến khi bánh chuyển sang màu trong suốt thì đưa ra khỏi nồi, ăn kèm với chén mắm ớt cay nồng sẽ rất tuyệt.
Ngoài những món kể trên thì bánh canh là món ăn bình dân rất nổi tiếng ở Đồng Hới. Đây là món mang hương vị thơm ngon đặc trưng của miền Trung, được chế biến khá đơn giản. Bánh canh làm từ bột gạo thơm, dẻo và trắng tinh cắt thành từng sợi mỏng. Nguyên liệu chính để nấu món này là sườn heo và tôm tươi, loại tôm sống ở đầm, cho thịt đậm đà, không tanh. Một bí quyết nữa làm nên sức hấp dẫn của món bánh canh là chén nước mắm ớt xanh thơm, hăng hăng để ăn kèm.
Ngay trên bãi biển, du khách cũng có thể thưởng thức một số món ăn bình dân được chế biến đơn giản của những người bán hàng rong. Chỉ với một bếp than nhỏ, người bán có thể cung cấp cho du khách món nướng hay luộc đầy hấp dẫn. Ngoài những món ẩm thực được dùng tại chỗ thì còn có những sản phẩm ẩm thực phục vụ khách du lịch mua về làm quà cho người thân, bạn bè và gia đình. Các sản phẩm ẩm thực kể trên không chỉ đơn thuần có giá trị sử dụng và phục vụ cho hoạt động du lịch, mà ở đó còn kết tinh các giá trị văn hóa truyền thống đang được người dân nơi đây lưu giữ và nâng niu, phát triển…
Khi chọn biển Nhật Lệ du khách sẽ không phải ân hận, bởi Quảng Bình trước sau vẫn là một điểm đến đẹp, nhiều chỗ để tham quan, khám phá và giải trí… Thêm điều đáng ghi nhận nữa là cư dân nơi đây hiền hòa, chất phác, thức ăn rẻ và khách không cần mặc cả… Đây còn là quê hương của cố thi sĩ tài hoa mà mệnh bạc Hàn Mạc Tử, với những vần thơ dung dị mà đầy sức quyến rũ du khách thập phương: “Mơ khách đường xa, khách đường xa/Áo em trắng quá nhìn không ra.../Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/Ai biết tình ai có đậm đà...”

*     *
*
Đến Nhật Lệ lần đầu, dù chỉ lưu lại đây khoảng thời gian ngắn (hai ngày), mặc dù vẫn còn có hiện tượng chưa làm du khách vui lòng[4] nhưng với bãi biển đẹp cùng những món ẩm thực đặc sắc, nơi đây đã để lại trong tôi những ấn tượng không thể nào quyên về một vùng văn hoá miền Trung của đất nước.

Tài liệu tham khảo
1- Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Đại Việt sử ký toàn thư (Dịch theo bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), Tập II, Nxb Khoa học xã hội, 1998.
2- Mục Huyền Trân công chúa, trên http://vi.wikipedia.org/wiki.
3- Mai Kim Thành: Lung linh bãi biển Nhật Lệ (Quảng Bình), đăng trên trang http://www.aseantraveller.net.
4- Bàu Tró - Hồ xanh trên cát, trên http://donghoi.gov.vn.
5- Thông tin điện tử thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) - http://donghoi.gov.vn.
Hà Nội, ngày 15-10-201
TS BÙI HỒNG VẠN


[1] - Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Đại Việt sử ký toàn thư (Dịch theo bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), Tập II, Nxb Khoa học xã hội, 1998, tr. 90.
[2] - Theo http://vi.wikipedia.org/wiki/Huy%E1%BB%81n_Tr%C3%A2n, ở mục Huyền Trân công chúa có chú giải - Hai châu Ô,  thời Trần là vùng đất tính từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến phía bắc Quảng Trị ngày nay.
[3] - Bàu Tró – Hồ xanh trên cát, trên http://donghoi.gov.vn.
[4] - Ở bãi biển Nhật Lệ có hiện tượng một số thiếu niên đi xin tiền du khách. Nếu cho 1-2 đứa thì những đứa khác quanh đó nhìn thấy sẽ quây lại đòi cho cả chúng. Nếu không cho du khách sẽ phải nghe những lời nói không hay gây khó chịu, bực mình…

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THƠ CHA MẸ GỬI CON

Nếu một mai thấy cha già mẹ yếu Hãy thương yêu và thấu hiểu song thân. Những lúc ăn mẹ thường hay vung vãi Hay tự cha không mặc được áo quần. Hãy nhẫn nại nhớ lại thời thơ ấu Mẹ đã chăm lo tã, áo, bế, bồng. Bón cho con từng miếng ăn, hớp sữa Cho con nằm trong nệm ấm chăn bông. Cũng có lúc con thường hay trách móc Chuyện nhỏ thôi mà mẹ nói trăm lần. Xưa kia bên nôi giờ con sắp ngủ, Chuyện thần tiên mẹ kể mãi không ngưng… Có lúc cha già không muốn tắm Đừng giận cha và la mắng nặng lời. Ngày con nhỏ, con vẫn thường sợ nước Từng van xin “đừng bắt tắm, cha ơi!” Những lúc cha không quen xài máy móc Chỉ cho cha những hướng dẫn ban đầu. Cha đã dạy cho con trăm nghìn thứ Có khi nào cha trách móc con đâu? Một ngày nọ khi mẹ cha lú lẫn Khiến cho con mất hứng thú chuyện trò Nếu không phải là niềm vui đối thoại Xin đến gần và hãy lắng nghe cha. Có những lúc mẹ không buồn cầm đũa Đừng ép thêm già có lúc biếng ăn Con cần biết...

ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGOẠI GIAO HỒ CHÍ MINH

                                                                                                                                                                 1. Đặt vấn đề, xác định khái niệm Ở Hồ Chí Minh (HCM) tồn tại nhiều phong cách, đó là phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt, phong cách tuyên truyền, phong cách lãnh đạo, phong cách ngoại giao… Bài viết này đề cập đến đặc điêm trong phong cách ngoại giao HCM.           Khái niệm phong cách đã xuất hiện từ lâu và đ...