1. Đặt vấn đề, xác định khái niệm
Ở Hồ Chí Minh
(HCM) tồn tại nhiều phong cách, đó là phong cách tư duy, phong cách làm việc,
phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt, phong cách tuyên
truyền, phong cách lãnh đạo, phong cách ngoại giao… Bài viết này đề cập đến đặc điêm trong phong cách ngoại giao HCM.
Khái
niệm phong cách đã xuất hiện từ lâu
và được dùng phổ biến trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, theo nghĩa
mở rộng, phong cách còn được dùng để chỉ “vẻ riêng trong lối sống, làm việc của
một người hay hạng người nào đó: phong
cách sống, phong cách lãnh đạo[1]”;
phong cách là: “lề lối, cung cách, cách thức, phong thái, phong độ và phẩm cách
đã trở thành nề nếp ổn định của một người hoặc của một lớp người, được thể hiện
trong tất cả các mặt hoạt động như lao động, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn
đạt (nói và viết)… tạo nên những giá trị, những nét riêng biệt của chủ thể đó.
Với cách hiểu này, chúng ta có thể nói đến phong cách của bất cứ một người nào,
từ một người bình thường đến một lãnh tụ, một vĩ nhân, cũng như phong cách quân
nhân, phong cách lãnh đạo của Đảng[2]…”.
Khi nói đến phong
cách ngoại giao HCM là chúng ta nói đến khoa học và nghệ thuật giao tiếp nhằm
giải quyết các vấn đề song phương hoặc đa phương mà bản thân HCM trực tiếp
(hoặc chỉ đạo người khác) thực hiện nhằm giành thắng lợi cho sự nghiệp cách
mạng dân tộc. Phong cách ngoại giao HCM là sự kế thừa truyền thống ngoại giao
của cha ông ta, đồng thời là sự tiếp thu tinh hoa văn hoá giao tiếp của nhân
loại; nhưng chủ yếu là sự phản ánh trung thực nhân cách vĩ đại của Người anh
hùng giải phóng dân tộc - Nhà văn hoá kiệt xuất[3].
2. Đặc điểm
phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh
Tìm hiểu tư tưởng,
hoạt động ngoại giao HCM chúng ta thấy nổi bật lên năm đặc điểm sau trong phong
cách ngoại giao của Người:
- Thứ nhất:
Mềm dẻo và kiên nghị trong xử lý các tình huống cam go, nguy hiểm; luôn tuân
thủ nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Sau
cách mạng tháng Tám, tình thế đất nước ta như “ngàn cân treo sợi tóc”. Các thế
lực thù địch trong ngoài câu kết với nhau và dùng nhiều thủ đoạn nhằm tiêu diệt
Đảng ta, lật đổ chính quyền cách mạng. Bọn Việt Quốc, Việt Cách ở Hà Nội và các
địa phương khác ra sức phá hoại, khiêu khích, khủng bố, ám sát gây rối loạn
trật tự trị an, vu khống cho chính quyền ta bất lực, nhằm tạo cớ để quan
thầy của chúng giành lấy quyền duy trì trật tự. Bọn lính Tưởng gây ra những vụ
việc làm nhân dân ta vô cùng căm phẫn. Tình hình rất căng thẳng, chỉ một va
chạm nhỏ cũng có thể dẫn đến xung đột lớn. Trước tình hình đó, Chủ tịch HCM đã
nhiều lần khuyên nhủ cán bộ và đồng bào ta phải hết sức bình tĩnh, kiên nhẫn,
trách bị kẻ thù khiêu khích: “Kiên nhẫn không phải là hèn nhát, mà
là một phương pháp đấu tranh. Để cứu nước, lúc này có phải làm như Câu Tiễn
cũng làm!”. Phương châm mà Người nêu ra để chỉ đạo giải quyết các vụ xung đột
giữa ta và quân Tưởng là phải cố gắng “dàn xếp sao cho đại sự thì biến thành
tiểu sự, và tiểu sự thì thành vô sự”.
Cái
khó trong ngoại giao là nhân nhượng như thế nào để vẫn bảo vệ được lợi ích quốc
gia, giữ vẹn được quốc thể. Trong thời kỳ đầu, khi nước ta chưa được quốc tế
công nhận thì một số tướng lĩnh, đô đốc của quân đội Tưởng và Pháp lần đầu tiên
đến Hà Nội, ai sẽ đến chào ai trước? Đó là một trong những bài toán cần có lời
giải đúng đắn, phù hợp thông qua các hành vi ngoại giao lúc bấy giờ.
Sau khi ta tuyên
bố độc lập một tuần thì Tiêu Văn (phó tướng của Lư Hán) chỉ huy quân Tưởng đến
Hà Nội. Cuối năm 1944, tại Liễu Châu, chính Tiêu Văn đã bảo lãnh với Trương
Phát Khuê cho HCM trở về nước, với hi vọng sau này HCM sẽ trở thành chỗ dựa cho
kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” của họ. Nhưng thắng lợi nhanh chóng của cách mạng
Việt Nam
làm Tiêu Văn vô cùng tức tối. Trên đường tiến sang Việt Nam ông ta đã
kể “thập đại tội” (mười tội lớn) của HCM, đồng thời nuôi dã tâm thâm độc là
“diệt cộng, cầm Hồ” (diệt cộng sản, bắt sống HCM).
Biết được ý đồ
đó, HCM đã cử ông Vũ Đình Huỳnh lên Từ Sơn (Bắc Ninh) đón Tiêu Văn và thông báo
ngày mai Người sẽ đến thăm. Ông Huỳnh thắc mắc: Sao không mời Tiêu Văn đến
chiêu đãi hoan nghênh, việc gì Chủ tịch phải đến thăm trước? Người mỉm cười nói
với ông Huỳnh: “Ta phải đến chào để tỏ lòng hiếu khách. Việc gì có lợi cho cách
mạng thì không nên cố chấp”. Sau đó, với tác phong đàng hoàng, đĩnh đạc, chân
tình, cởi mở của một vị chủ hiếu khách, HCM đã làm cho Tiêu Văn phải chấp nhận
những đề nghị mà Người nêu ra. Hôm sau, Người còn mở tiệc chiêu đãi vợ chồng
Tiêu Văn, tặng vợ ông ta một số đồ nữ trang quý và dành cho bà ta quyền buôn
bán gạo, hàng hoá sang Hồng Kông. Những việc làm này đã giúp ta “đạt được sự
hoà hoãn với quân Tàu, chặn đứng cú đầu tiên của quân Tàu định lật đổ Chính phủ
lâm thời, điều này làm cho bọn Việt Quốc, Việt Cách rất hoang mang[4]”.
Tương
tự HCM cũng chủ động đến thăm tướng Lư Hán khi ông ta đến Hà Nội. Lúc đầu Lư
Hán có thái độ kiêu căng, trịch thượng kể tội, hạch sách ta đủ điều; nhưng với
thái độ mềm mỏng, điềm đạm, HCM đã nhắc lại tình hữu nghị truyền thống giữa hai
nước, về sự giúp đỡ của Trung Quốc với cách mạng Việt Nam và chính sách tối huệ
quốc mà ta dành cho Hoa kiều… Những câu chuyện mà HCM đề cập đã có tác động
tích cực đến tinh thần Lư Hán. Lư Hán dần xuống giọng và chỉ yêu cầu ta phải
bảo vệ tốt an ninh trật tự, nếu không ông ta sẽ cho quân đội Trung Quốc làm
thay... Cuộc hội kiến đã đạt kết quả tốt. Từ cách gọi HCM là “Hồ tiên sinh” lúc
ban đầu thì về sau Lư Hán đã chuyển sang gọi HCM là “Hồ Chủ Tịch”.
Khoảng giữa năm
1946, HCM được Chính phủ Pháp mời sang thăm nước Pháp. Trước khi đi, Người Nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng (là Phó chủ tịch nước) câu này: “Dĩ bất
biến, ứng vạn biến”. Dựa vào câu nói đó, cụ Huỳnh cùng với các nhà lãnh đạo
chính phủ ta đã đập tan âm mưu phản loạn, muốn tiêu diệt chính quyền cách mạng
của bọn phản động Việt Quốc và Việt Cách (vụ Ôn Như Hầu, Hà Nội). Có thể nói,
đây chính là nguyên tắc - phương châm cốt lõi chỉ đạo mọi hoạt động ngoại giao
của HCM. Sinh thời Người luôn tuân thủ và vận dụng linh hoạt, sáng tạo nguyên
tắc này để thực hiện thành công nhiều tình huống ngoại giao phức tạp, khó khăn,
thậm chí là nguy hiểm đến cả tính mạng của mình…
HCM chủ trương
ngoại giao có những lúc phải kiên trì, nhẫn nại. Cuộc đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau giữa chính
phủ ta và Pháp cuối năm 1946 kết thúc không có lợi cho ta. Nhưng “HCM không
chịu chấp nhận một thất bại hoàn toàn. Bất chấp lời khuyên của một số người
đồng hương, Người vẫn ở lại Pháp vài ngày và đã ký với đại diện Pháp một bản
điều lệ đề xuất mở rộng, hay tốt hơn là mở lại, những cuộc đàm phán”[5]
(Bản tạm ước, 14/9/1946). Mục đích ký văn kiện này là để ta có thêm thời gian
chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.
Ngược dòng lịch
sử, chính thái độ mềm dẻo, linh hoạt trong ứng xử ngoại giao vào những năm
1933-1938 ở Mát-xcơ-va cũng đã giúp cho HCM an toàn được tính mệnh, kiên trì
giữ vững quan điểm cách mạng đúng đắn của mình. Thêm một bằng chứng về việc
tuân thủ nguyên tắc “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của HCM.
Trong đấu tranh
ngoại giao, chỉ có thực lực mới quyết định được thắng lợi. Tuy nhiên, trong một
số tình huống cụ thể, nếu có sách lược khôn khéo, có phong cách ứng xử mềm dẻo,
tinh tế thì vẫn có thể phát huy được chính nghĩa, làm đối phương kính nể và đạt
được mục đích ngoại giao đề ra. HCM đã nhiều lần làm được điều này vì Người
luôn ứng xử theo phương châm: “Người ta cương thì mình nhu, phải khôn khéo lấy
nhu thắng cương thì mới là biết mình biết người[6]”.
- Thứ hai:
Thuyết phục bằng lý lẽ kết hợp với cảm hoá bằng trái tim
Đấu tranh ngoại giao là một
hình thức đặc biệt của đấu tranh chính trị. Muốn thuyết phục đối phương về pháp
lý hay đạo lý đều phải có lý lẽ. Trong hoạt động ngoại giao, lý lẽ mà HCM dựa
vào để đấu tranh đòi quyền độc lập, tự do là những quyền tự nhiên, quyền cơ bản
của con người và quyền cơ bản của các dân tộc. Đây là “những lẽ phải không ai
chối cãi được” và cũng là những nguyên tắc pháp lý đã được phương Tây khẳng
định trong các văn kiện nổi tiếng của họ. Và để giành được lẽ phải về mình nhà
ngoại giao cần phải giỏi lập luận, khéo biện giải để đấu tranh thuyết phục đối
phương. Nghiên cứu các văn kiện về ngoại giao ta thấy, lý lẽ của HCM tuy đơn
giản nhưng sức thuyết phục lại mạnh mẽ. Người thường lập luận trên cơ sở tính đồng nhất về nguyên lý, khiến người
khác rất khó bác bỏ. Trong đáp từ Thủ tướng Pháp (G. Bidault) ngày 2-7-1946, HCM đã nói: “Chúng ta đều được kích thích bởi
một tinh thần, triết lý Đạo Khổng và triết lý phương Tây đều tán dương một
nguyên tắc: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân[7]. Tôi tin rằng
trong những điều kiện ấy, Hội nghị sắp tới sẽ đi đến những kết quả tốt đẹp”;
“Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập… chúng tôi cũng phải được
phép yêu nước của chúng tôi và muốn cho nó được độc lập chứ!... Cái mà các bạn
coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi”[8].
Ở
HCM, thuyết phục bằng lý lẽ luôn kết hợp với cảm hoá trái tim người đối thoại
bằng tấm lòng nhân hậu, bằng cách ứng xử tinh tế và rất mực khiêm nhường. Qua
vẻ mặt thanh khiết, nụ cười rạng rỡ, giọng nói trầm ấm, hoà nhã, người đối
thoại cảm nhận được ở HCM toát lên một khát vọng dân chủ, tự do bằng thuyết
phục, cảm hoá chứ không phải bằng sức mạnh và quyền uy. G. Lacutuya, Bí thư báo
chí của Cao uỷ Pháp Đác-giăng-liơ lần đầu tiên gặp HCM ở Bắc Bộ phủ (1946) đã
nhận xét: “Chủ tịch HCM là nhân vật có tài chinh phục người đối thoại với mình
ngay từ câu thứ hai”. Chính ông này, sau lần gặp đó ít lâu sau đã rời bỏ văn
phòng báo chí của Cao uỷ Pháp, trở về nước chuyên tâm nghiên cứu về HCM và trở
thành nhà viết tiểu sử HCM hay nhất phương Tây. Còn thiếu tá Pie Ô-nây, người
chỉ huy con tàu chở HCM từ Pháp về Việt Nam, đã quyết định từ chối chức chỉ huy
hải quân Pháp ở Hải Phòng chỉ vì ông ta đã nghĩ: Chiến tranh là bất lợi, đoạn
tuyệt với HCM là một sai lầm. Do đó, ông không muốn dính vào điều mà lương tâm
ông cảm thấy như là sự phản bội[9].
- Thứ ba: Hiểu
biết về người đối thoại với mình
Việc
hiểu biết về lịch sử, đất nước, con người, tâm lý, sở thích cá nhân của người
đối thoại với mình cũng quan trọng không kém các hoạt động ngoại giao khác. Có
thế nói rằng, trong cuộc tiếp xúc với đối tác, sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ
của phong cách ngoại giao HCM được hình thành từ nhiều nhân tố, trong đó có vốn
hiểu biết văn hoá rộng lớn về các dân tộc khác của Người. Chính sự lịch lãm về
nhiều mặt đã giúp Người dễ dàng giành được cảm tình và thế chủ động ngay cả
trong những tình huống bất ngờ nhất. Chẳng hạn, vào mùa Xuân năm 1945, sau cuộc
trao trả viên phi công Mỹ, HCM có cuộc tiếp xúc với tướng L. Chennault (Sê-nôn)
của Mỹ đóng ở Côn Minh. Fenn (một viên trung uý hải quân) Mỹ tham gia sự kiện
trên đã kể lại: “Chennault rất cám ơn ông Hồ về việc người phi công được cứu
thoát – ông Hồ đáp lại bao giờ ông cũng sung sướng được giúp đỡ người Mỹ và đặc
biệt giúp tướng Chennault mà ông ta hết mực ca tụng… Chennault tỏ ra hài lòng
về những câu chuyện mà ông Hồ biết… lúc mọi người sắp từ biệt nhau... ông Hồ
nói rằng ông muốn xin một vật kỷ niệm nhỏ… là một cái ảnh của Tướng Chennault”.
Chennault đã đưa một tập ảnh cho HCM chọn. “Ông Hồ lấy một chiếc và hỏi Tướng
Chennault có vui lòng cho xin chữ ký? Chennault liền viết ở dưới “Bạn chân
thành của anh. Claire L. Chennault”[10].
Có thể trong thâm tâm HCM nghĩ, Chennault (Sênôn) là một viên tướng điển trai
và hào hoa, nên sẽ rất thích thú khi có người xin ảnh làm kỷ niệm, nên Người đã
xin và được ông ta vui vẻ chấp nhận. Hành vi ngoại giao “nhỏ bé” này đã làm
Chennault có cảm tình đặc biệt với HCM, nên sau đó ông ta đã giao cho S. Phen tổ chức tiếp tế và hỗ trợ điện đài cho Việt Minh.
Có
một lần, HCM đến dự tiệc chiêu đãi nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hoà dân chủ
Đức. Đại xứ phu nhân Đức đem dao, dĩa đến mời Người ăn xúc xích luộc. Người
nói: “Cất các thứ đó đi, ở Béc-lin, xúc xích luộc phải lấy tay cầm, chấm mù tạt
mà ăn chứ!”. Còn vào đầu năm 1959, trong buổi chiêu đãi Thủ tướng Ôttô
Grôttơvôn sang thăm nước ta, giữa bầu không khí hết sức cởi mở của những người
đồng chí, các bạn Đức bất ngờ đề nghị Bác Hồ hát một bài. Người vui vẻ nhận lời
và đề nghị các chị em Đức có mặt cùng hát với Người một bài dân ca Đức. Bài hát
giàu chất trữ tình, nhạc điệu uyển chuyển đã tạo nên một sự xúc động, xao xuyến
thực sự cho những người bạn Đức trong buổi gặp mặt hôm đó.
Sinh
thời, HCM thường nhắc nhở, làm ngoại giao cái gì cũng phải học - chính trị,
kinh tế, văn hoá, lịch sử… nhất là ngoại ngữ. Người kể, hồi ở bên Anh, 6 tháng
Người học nói được tiếng Anh. Rồi tương tự, sang Đức, 6 tháng học nói được
tiếng Đức… Theo Người, làm ngoại giao nếu biết được tiếng của nước sở tại dễ
gây được cảm tình với người nước đó, có lợi cho công việc của mình.
- Thứ tư: Thái
độ nhã nhặn, lịch thiệp, chân thành và tự nhiên
Trong
ngoại giao người ta phải tuân thủ những nghi thức nên cũng dễ hình thành một
thứ “nghệ thuật ngoại giao”, có tính chất bề ngoài để “lấy lòng”, dễ bị coi là những “xảo thuật” để mua chuộc người đối thoại với mình. Nhưng những
điều trên hoàn toàn xa lạ với con người HCM.
Sức hấp dẫn, sự
cảm hoá của HCM toát ra một cách hết sức tự nhiên, từ tấm lòng đôn hậu, từ nhân
cách văn hoá siêu việt của Người. Người không chút gượng gạo, rất tự nhiên,
chân thật và chân thành trong ứng xử với người đối thoại. Patti (thiếu tá trong
lực lượng OSS Mỹ) sau cuộc tiếp xúc với HCM đã ghi lại cảm nghĩ trong cuốn sách
của ông ta về Người như sau: “Ông (Hồ) nói một cách lưu loát không điệu bộ,
nhưng với một vẻ thành thực, quyết tâm và lạc quan”; “Ông (Hồ) xoa tay vui vẻ
và quay lại phía tôi, với nụ cười rạng rỡ”; “Ông Hồ tiễn tôi ra tận cửa và nói
ông sẽ không bao giờ quên buổi chiều vui vẻ này của chúng ta và tỏ ý mong rằng
tôi sẽ vui lòng giữ quan hệ mật thiết với ông”[11].
Là
một nguyên thủ quốc gia, một chính khách nổi tiếng thế giới nhưng trong các
cuộc tiếp xúc, HCM luôn muốn ẩn mình và dành sự quan tâm, chú ý đến những người
xung quanh. Đầu năm 1946, trong một cuộc mít tinh vận động bầu cử, có hai nhà
báo Pháp tham gia sự kiện này. Khi HCM xuất hiện, họ bị chìm đi trong bầu khí
khí nồng nhiệt của quần chúng dành cho Người. Một bé gái đến tặng Người một giỏ
cam và nói lời chúc mừng Người. HCM cúi xuống ôm hôn cháu bé đồng thời nói nhỏ
điều gì đó. Cháu bé sửa lại mũ, cầm hai quả cam tiến về phía hai nhà báo Pháp
rồi tặng mỗi người 1 quả và nói: “- Bác Hồ tặng các ông hai trái cam này để các
ông cho các bạn nhỏ của nước Pháp”. Khi được những người xung quanh dịch lại,
hai nhà báo này vô cùng cảm kích trước con mắt tinh tường và ứng xử ngoại giao
lịch thiệp của vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Những ấn
tượng sâu sắc, tốt đẹp mà HCM để lại trong lòng họ đã khiến họ về sau trở thành
những nhà báo có cảm tình với cuộc kháng chiến của dân tộc ta.
Vào
nửa sau năm 1946, HCM sang thăm nước Pháp, đông đảo Việt Kiều và bè bạn Pháp đã
đến thăm, chúc mừng Người. Các cháu thiếu nhi hát cho HCM nghe, Người rất cảm
động. Khi các cháu định ra về, bỗng Người hỏi: “Các cháu có biết hát bài Quốc
ca Pháp không?”, tất cả đồng thanh trả lời: “Có ạ”. Sau đó bài Quốc ca Pháp
được các cháu hát vang, sôi nổi, hùng tráng. Những người Pháp có mặt ở đó hết
sức cảm động, họ cảm thấy đó là biểu hiện của một thiện chí hoà bình và hữu nghị,
một biểu hiện hùng hồn về tình cảm mà HCM dành cho những truyền thống tự do,
bình đẳng, bác ái của nước Pháp - một quốc gia mà Người yêu mến và chỉ mong
muốn hợp tác hữu nghị chứ không muốn chiến tranh[12].
G.
Xanh-tơ-ni trở lại Hà Nội để gặp HCM trên cương vị Tổng đại diện Pháp bên cạnh
Chính phủ Việt Nam
(1954). Ông ta có phần e ngại khi phải giáp mặt HCM sau khi Pháp thất bại ở
Điện Biên Phủ. G. Xanh-tơ-ni đã kể lại: “Không đến một phút, chỉ vài giây thôi…
Cụ (Hồ) tiến thẳng đến chỗ tôi và nói: “Chúng ta phải hôn nhau chứ”, và chúng
tôi đã ôm hôn nhau. Ngay sau đó, Cụ bảo: “Chúng ta đã đánh nhau, đánh nhau cật
lực, nhưng hết sức trung thực. Bây giờ thì phải quên chuyện đó đi và cùng nhau
cộng tác”. Còn E. Mi-sơ-lê (nguyên Bộ trưởng Bộ Quân lực Pháp) sau Điện Biên
Phủ cũng đến Hà Nội. Ông này viết: “Cụ Hồ và Chính phủ của Cụ đã đón tiếp chúng
tôi nồng nhiệt, hết sức lịch sự. Người ta có thể nói: điều đó dễ hiểu vì họ là
người chiến thắng! Nhưng quả là đã không có bất cứ thái độ kiêu căng nào… Điều
đó đã gây cho tôi những ấn tượng rất mạnh”. Phong cách ngoại giao HCM là thế:
khó không sợ, thắng không kiêu, chẳng hề phô trương niềm vui chiến thắng làm bẽ
mặt kẻ thù, xúc phạm đến niềm tự tôn dân tộc của họ[13].
- Thứ năm:
Khôn khéo, linh hoạt trong ngoại giao để giành được sự ủng hộ của người đối
thoại với mình
Đầu năm 1950, để
tăng cường tình đoàn kết và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế cho cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp, HCM đã bí mật sang thăm Liên Xô. Theo tài liệu được công
bố gần đây, J. Xtalin tiếp HCM có phần “miễn cưỡng”. Cả hai việc HCM đề nghị[14]
đều không được J. Xtalin đáp ứng. Tuy vậy, do sự khéo léo và linh hoạt trong
ứng xử ngoại giao, mục đích chính và quan trọng của chuyến đi đã đạt được. Đó
là việc Liên-Xô công nhận và chính thức đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam
gày 30/1/1950. Mặc dù sau này, J. Xtalin nhiều lần lấy làm tiếc về việc công
nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. (Ông ta nói: “Chúng ta đã quá vội
vàng”, “Nó chưa đáng để được công nhận”[15]).
Vào các thập niên
1950, 1960 quan hệ giữa hai nước đứng đầu phe XHCN là Liên-Xô, Trung Quốc có
những bất đồng nặng nề về quan điểm và đã có thời điểm xẩy ra xung đột biên
giới. Là một chiến sỹ của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, HCM đã có
những hoạt động tích để dàn xếp sự bất hoà trong quan hệ Xô – Trung. Đại tướng
Võ Nguyên Giáp cho biết: “Vào thời kỳ mâu thuẫn Xô – Trung, Bác với tôi và anh
Xuân Thuỷ có sang Trung Quốc gặp Mao Trạch Đông nói ý kiến của ta. Mao Trạch
Đông hôm đó không được khoẻ lắm. Trong buổi tiếp, Mao Trạch Đông nói rằng: Hồ
Chủ Tịch tốt quá! Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô phải một vạn năm mới
giải quyết được. Nhưng Hồ Chủ Tịch tốt bụng quá thì tôi giảm đi 1.000 năm, còn
9.000 năm vậy! Sau đó, Bác tiếp tục đi nói với các nước, cả Anbani, là phải
đoàn kết lại. Cái giỏi của Bác là ngay từ lúc chống xét lại, ta phê phán nội
bộ, song cuối cùng vẫn đi đến mục đích là phải đoàn kết với Liên Xô, đoàn kết
với Đảng Cộng sản Liên Xô và Liên Xô vẫn ủng hộ ta”[16].
3. Kết luận
chung
Phong
cách ngoại giao HCM thể hiện đỉnh cao trí tuệ, nhân cách và nghệ thuật hoạt
động trong lĩnh vực ngoại giao của Người. Năm nội dung trình bày trong bài viết
là năm phác thảo về những đặc điểm của phong cách ngoại giao HCM. Nhưng nếu
phải nói một cách khái quát thì có thể diễn đạt phong cách ngoại giao HCM trong
“mười chữ” là: Dũng khí, Trí tuệ, Nhân
hậu, Uyển chuyển, Lịch lãm[17]. Mười chữ này đã
giúp HCM giành nhiều thắng trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Thiết nghĩ, mười chữ trên vẫn là cẩm nang hữu ích cho hoạt động ngoại giao của
chúng ta trong hiện tại và tương lai!
Tài liệu tham
khảo
1. Nguyễn Như Ý (Chủ biên): Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hoá -
Thông tin, 1999.
2. GS Song Thành: Hồ Chí Minh, nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb
Lý luận chính trị, 2005.
3. Giáo sư Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên): Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh,
Nxb Lý luận chính trị, 2004.
4. Vũ Khoan (Chủ biên): Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao,
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, 1945-1946, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 2000.
6. Raymond Aubbrac: “Pari -
Bắc Kinh - Hà Nội, ba cuộc gặp với Hồ Chí Minh để tìm kiếm hoà bình”, in trong:
TT Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Đại học quốc gia Hà Nội, Việt Nam trong thế kỷ XX, Nxb Chính trị
quốc gia, 2001.
7. Archimedes
L.A. Pastti: Why
Vietnam (Tại sao Việt Nam ),
Nxb Đà Nẵng, 2008.
8. PGS Nguyễn
Quốc Hùng: “Nhìn lại quan hệ giữa I. Xtalin và Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh,
trong sách (của Khoa lịch sử) - Một chặng
đường nghiên cứu lịch sử (2006-2011), Nxb Thế giới, 2011.
9. Đại tướng
Võ Nguyên Giáp: Nghiên cứu, học tập và
làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Công an nhân dân, 2006.
TS Bùi Hồng Vạn
(Thông tin khoa học bộ môn)
[2] - Giáo sư Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên): Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh,
Nxb Lý luận chính trị, 2004, tr. 130-131.
[3] - Giáo sư Song Thành: Hồ Chí Minh, nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb Lý luận chính trị, 2005, tr.
395-396.
[4] - Philipppe Devillers: Histoire du Vietnam, 1940-1952, Paris, Seuil, 1952, p. 124. (Dẫn
theo GS Song Thành: Hồ Chí Minh, nhà tư
tưởng lỗi lạc , sđd, tr. 400).
[5] - Raymond Aubbrac: “Pari - Bắc Kinh - Hà Nội, ba cuộc gặp
với Hồ Chí Minh để tìm kiếm hoà bình”, in trong: TT Khoa học xã hội và nhân văn
quốc gia, Đại học quốc gia Hà Nội, Việt
Nam trong thế kỷ XX, Nxb Chính trị quốc gia, 2001, tr. 102.
[7] - Trong bản Hiến pháp của nước Pháp năm 1793 (tức “Tuyên
ngôn nhân quyền và dân quyền”), điều 6, có một câu mà nội dung tương tự như câu
trên của Khổng Tử.
[13] - Giáo sư Song Thành: Hồ Chí Minh, nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb Lý luận chính trị, 2005, tr.
403.
[14] - Trong cuộc tiếp xúc này HCM đề nghị được
tiếp đón công khai và Người xin chữ ký vào một tờ tạp chí của Liên- Xô làm kỷ
niệm. Việc thứ nhất J. Xtalin khước từ; còn việc thứ hai J. Xtalin cùng một số
nhà lãnh đạo có mặt đã ký tên trên tạp chí tặng Người. Nhưng về sau J. Xtalin
lại ra lệnh cho người của mình bí mất lấy lại tờ tạp chí đó.
[15] - PGS Nguyễn Quốc Hùng: “Nhìn lại quan hệ
giữa I. Xtalin và Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”, in trong Đại học quốc gia Hà
Nội, Trường Đại học khoa học Xã Hội và Nhân văn, Khoa Lịch sử: Một chặng đường nghiên cứu lịch sử
(2006-2011), Nxb Thế giới, 2011, tr. 938.
[16] - Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nghiên cứu, học tập và làm theo Tư tưởng Hồ
Chí Minh, Nxb Công an nhân dân, 2006, tr. 107.
[17] - Giáo sư Song Thành: Hồ Chí Minh, nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb Lý luận chính trị, 2005, tr.
404.
Nhận xét
Đăng nhận xét