Chuyển đến nội dung chính

"MÙI VỊ" CỦA CHIẾN TRANH (HỒI ỨC)



Đêm đó, đơn vị An ém quân tại một cánh rừng thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh, giáp biên giới Việt Nam - Căm-Pu-Chia. Gần một ngày hành quân bộ qua bao thôn ấp đến chập tối thì tới địa điểm dừng chân. Rừng ở đây cây cối còn khá rậm rạp.
An nhập ngũ gần được một năm. Anh đã qua huấn luyện, sản xuất, nhưng tham chiến thì chưa. Đây là trận chiến đầu tiên mà An tham gia trong cuộc đời binh nghiệp của mình. 
Nằm trên tấm ni lông trải dưới một gốc cây, An miên man nghĩ đến mẹ, đến gia đình, quê hương, đến cuộc đời và cả về cái chết có thể xẩy ra với anh, đồng đội trong trận đánh ngày mai. Song do ban ngày hành quân mệt mỏi nên An cũng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ giữa đất rừng biên giới phương Nam...
Vào lúc hơn 4 giờ sáng, anh Hải (đại đội trưởng đại đội 2) đánh thức An và anh Bái dậy. Theo lệnh, bộ đội khẩn trương thu xếp vũ khí, quân trang cá nhân và lặng lẽ tiến sát mép rừng. Phía trước cách vị trí An ngồi khoảng 15-20 mét là cánh đồng bằng phẳng, lác đác nổi lên vài mô đất cao bên trên thấp thoáng những cây xanh.
An và anh Bái là hai lính thông tin vô tuyến của tiểu đoàn cử xuống đi cùng đại đội 2, có nhiệm vụ giữ liên lạc với cấp trên trong quá trình tác chiến. Là lính mới, An được bố trí đi số 2, với nhiệm vụ bảo vệ số 1 (người đeo máy PR-C25 loại 2W của Mỹ) và sẵn sàng thay thế khi cần... An mang súng AK, đeo ba lô chứa quần áo, lương khô, pin dự trữ cho máy và đồ dùng cá nhân của hai người...
Trong lúc chờ đợi giờ "G" (là giờ hành động) An ngồi bên cạnh anh Bái và anh Hải đại đội trưởng. Anh Bái nói nhỏ, khi có lệnh xung phong, anh chạy trước em bám sát phía sau nhé. An đáp: vâng!
Khoảng 5 giờ sáng, bỗng vang lên những loạt đạn pháo bắn cấp tập xuống các vị trí quân Khơ me đỏ đóng chốt. Sau đó một loạt tiếng nổ đinh tai nhức óc của hàng chục quả mìn Cley-mo được kích nổ, thổi bay mọi vật cản, kể cả những quả mìn mà bọn lính Pôn-pốt chôn dọc biên giới nhằm ngăn bước tiến của bộ đội ta. Sau loạt tiếng nổ dọn đường đó, bộ binh được lệnh tấn công - cận chiến với lính Khơ me.
Anh Bái và An bám sát anh Hải chạy lên phía trước. Tiếng nổ của các loại súng, lựu đạn, mìn... vang lên chát chúa. Đạn bay chiu chíu quanh người, pháo ùng oàng gầm rít trên không trung. Tất cả cộng hưởng tạo thành thứ âm thanh hỗn tạp, vang động, phá tan sự yên tĩnh của một vùng biên giới Tây Nam.
Cố gắng bám sát anh Bái, An vừa chạy vừa sợ... Chạy được mấy trăm mét thì An gặp tình huống đặc biệt. Một tổ gồm ba chiến sĩ đang khiêng khẩu đại liên vận động lên phía trước bị đạn pháo địch bắn hất văng ba người cùng khẩu súng xuống hố bom sâu chừng hơn mét, bùn, nước lầy lội. Đúng lúc An, anh Bái, anh Hải chạy tới. Anh Bái bảo An: “Em xuống băng bó cho các anh ấy đi”. Nói xong anh cùng anh Hải chạy lên phía trước. An nhảy xuống hố bom, dựng khẩu AK cạnh hố, gắng sức kéo khẩu đại liên đang đè lên người một đồng đội và lấy băng cá nhân ra băng cho anh này. Mặc dù đã được học về băng bó cho người bị thương trong thời kỳ huấn luyện. Nhưng tay An vẫn cứ run run, lúng ta lúng túng khi băng cho người đồng đội dính phải vết thương ở đầu, máu chảy rất nhiều. Hai bàn tay An thấm đẫm máu đồng đội. Giữa lúc các vòng băng trắng cứ vuột ra trong tay An thì anh Tặng, y tá của đại đội cùng mấy cậu lính vận tải từ phía sau lên tới nơi. An bàn giao cho họ, nhảy lên khỏi hố bom, chạy nhanh về phía trước...
Trận đánh diễn ra đến gần trưa thì bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa. Trước lực lượng quân đội Việt Nam mạnh hơn bọn lính Pôn-pốt bị đánh bật về sâu trong đất Căm-pu-chia. Bữa ăn trưa diễn ra ngay trên mảnh đất còn khét nồng mùi thuốc súng và cả mùi tanh của máu. Nhận nắm cơm từ tay anh nuôi đưa cho, rất đói, nhưng An loay hoay mãi không biết làm cách nào để ăn được. Vì hai bàn tay An lúc đó vẫn còn sẫm màu máu của đồng đội... An tìm nước rửa tay, song tìm đâu ra nước ở chốn đồng không, mông quạnh này.
Thấy vậy, anh Bái bảo An dùng lá lót tay rồi cầm cơm ăn đại đi. Gặp tình cảnh như vậy, An chẳng biết làm sao... Đành làm theo lời người đồng đội vốn là một cựu binh thời chống Mỹ. Nhưng do tay còn dính đầy máu, rau canh chẳng có, cổ họng đang khát khô... nên dù rất cố gắng An cũng chỉ nhai, nuốt được vài miếng cơm nắm. An lặng lẽ tìm chỗ khuất, vất đi nắm cơm là khẩu phần bữa trưa của mình!
Chiến tranh là thế này sao? An đã đọc một số sách báo viết về chiến tranh, về hình ảnh những anh bộ đội trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Với họ, gian khổ, hy sinh, máu, nước mắt và hoa (được tặng ngày chiến thắng), đủ cả... Nhưng đến hôm nay, khi chính mình là người lính xung trận, An mới cảm nhận được "mùi vị" thật sự của chiến tranh là thế nào...!!!
Hà Nội, ngày 30/9/2012

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THƠ CHA MẸ GỬI CON

Nếu một mai thấy cha già mẹ yếu Hãy thương yêu và thấu hiểu song thân. Những lúc ăn mẹ thường hay vung vãi Hay tự cha không mặc được áo quần. Hãy nhẫn nại nhớ lại thời thơ ấu Mẹ đã chăm lo tã, áo, bế, bồng. Bón cho con từng miếng ăn, hớp sữa Cho con nằm trong nệm ấm chăn bông. Cũng có lúc con thường hay trách móc Chuyện nhỏ thôi mà mẹ nói trăm lần. Xưa kia bên nôi giờ con sắp ngủ, Chuyện thần tiên mẹ kể mãi không ngưng… Có lúc cha già không muốn tắm Đừng giận cha và la mắng nặng lời. Ngày con nhỏ, con vẫn thường sợ nước Từng van xin “đừng bắt tắm, cha ơi!” Những lúc cha không quen xài máy móc Chỉ cho cha những hướng dẫn ban đầu. Cha đã dạy cho con trăm nghìn thứ Có khi nào cha trách móc con đâu? Một ngày nọ khi mẹ cha lú lẫn Khiến cho con mất hứng thú chuyện trò Nếu không phải là niềm vui đối thoại Xin đến gần và hãy lắng nghe cha. Có những lúc mẹ không buồn cầm đũa Đừng ép thêm già có lúc biếng ăn Con cần biết

BÃI BIỂN VÀ ẨM THỰC Ở NHẬT LỆ (QUẢNG BÌNH)

                                                                                                                 Chuyến khảo sát thực tế kết hợp với du lịch nghỉ mát hè năm 2014 do Khoa LLCT (TMU) tổ chức đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên về đất và người Quảng Bình. Ở tầm quốc gia, quốc tế thì hai danh thắng nổi tiếng là Phong Nha - Kẻ Bàng và động Thiên Đường (gần đây thêm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp) là những điểm thu hút khách du lịch bốn phương. Nhưng ở mức khiêm tốn hơn có thể kể đến bãi biển Nhật Lệ cùng nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử khác trên đất Quảng Bình không kém phần hấp dẫn đối với du khách. Bài  viết này nói về một trong những danh thắng, di tích nói trên của Quảng Bình, đó là bãi biển Nhật Lệ với những nét đặc sắc riêng của nó. 1. Về cái tên Nhật Lệ (những giải thích về tên gọi) Nhật Lệ là tên gọi của một vùng đất va

ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH NGOẠI GIAO HỒ CHÍ MINH

                                                                                                                                                                 1. Đặt vấn đề, xác định khái niệm Ở Hồ Chí Minh (HCM) tồn tại nhiều phong cách, đó là phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt, phong cách tuyên truyền, phong cách lãnh đạo, phong cách ngoại giao… Bài viết này đề cập đến đặc điêm trong phong cách ngoại giao HCM.           Khái niệm phong cách đã xuất hiện từ lâu và được dùng phổ biến trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, theo nghĩa mở rộng, phong cách còn được dùng để chỉ “vẻ riêng trong lối sống, làm việc của một người hay hạng người nào đó: phong cách sống, phong cách lãnh đạo [1] ”; phong cách là: “lề lối, cung cách, cách thức, phong thái, phong độ và phẩm cách đã trở thành nề nếp ổn định của một người hoặc của một lớp người, được thể hiện trong tất cả các mặt hoạt động như lao động, học tập, sin